Close

07/12/2022

XE ĐIỆN (EV)

    Do xe điện (EV) được phát triển và dần trở nên thịnh hành vào những năm gần đây, nên nhiều người lầm tưởng xe điện mới chỉ được sáng chế. Thực tế, ô tô điện ra đời trước cả xe động cơ đốt trong, và có thời kỳ là loại xe thịnh hành được sử dụng đại trà.

 LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA XE ĐIỆN

1)   Xe điện hình thành và thời kỳ hoàng kim:

  • Năm 1800 được ghi nhận là thời gian của bản thiết kế mô hình xe điện đầu tiên xuất hiện. Trong khoảng thời gian này vẫn chưa có mô hình xe ô tô điện chính thức nào được công bố.
Xe ô tô điện đã xuất hiện từ những năm 1800

Xe ô tô điện đã xuất hiện từ những năm 1800

  • Năm 1859, Gaston Planté, nhà vật lý người Pháp bắt đầu phát minh ra pin sạc và các vật dụng dùng để lưu trữ điện trên xe.
  • Đến năm 1880, nhà phát minh Gustave Trouvé đã tiến hành cải tiến một động cơ điện nhỏ và được hãng công nghệ Siemens phát triển cùng với pin sạc để gắn vào chiếc xe 3 bánh của James Starley- một nhà sáng chế người Anh. Chiếc xe 3 bánh này được xem là phương tiện giao thông đơn thuần chạy bằng điện đầu tiên trên thế giới.
  • Để gọi là ô tô điện thì phải đến năm 1884, chiếc ô tô điện đầu tiên mới chính thức ra đời do nhà phát minh Thomas Parker chế tạo tại Wolverhampton, Anh. Ở châu Âu, Pháp và Anh là hai quốc gia đầu tiên ủng hộ loại hình xe điện (EV) cho giao thông.
  • Khoảng năm 1890, một chuyên gia hóa học sống tại Des Moines, Iowa (Mỹ) tên là William Morrison đã thành công chế tạo chiếc ô tô điện đầu tiên tại Mỹ. Chiếc xe có thể chở 6 hành khách với tốc độ 14 dặm/giờ. Mặc dù tốc độ này không nhanh hơn tốc độ xe ngựa nhưng làm cho con người hứng thú hơn với xe điện.
  • Năm 1899, xe ô tô điện được sử dụng phổ biến hơn nhờ các ưu điểm vượt trội hơn xe xăng. Đặc biệt là phụ nữ ở thành thị thích tính năng vận hành êm ái của xe ô tô điện.
  • Vào những năm 1900, những chiếc EV dần được cải tiến, ô tô điện nhờ khả năng di chuyển êm ái, dễ điều khiển và không thải ra chất ô nhiễm nặng mùi. Trong khi đó, xe xăng lại bị nhược điểm là đòi hỏi sức khởi động thủ công, dễ hỏng hóc, giá xăng còn cao và việc thay đổi bánh răng thường xuyên gây ra không ít khó khăn cho người lái. Do đó, xe điện chiếm một thị phần đáng kể trong ngành xe lúc bấy giờ.
Xe ô tô điện được chú ý vào những năm 1900

Xe ô tô điện được chú ý vào những năm 1900

  • Năm 1900 – 1908 là thời kỳ hoàng kim của ô tô điện. Theo thống kê thì giai đoạn này, tính riêng tại Mỹ có khoảng 40% ô tô chạy bằng hơi nước, 22% xe chạy xăng và có đến 38% là xe chạy điện. Dù đi sau châu Âu nhưng Mỹ đã trở thành quốc gia phổ biến nhiều xe ô tô điện nhất thế giới khi có đến gần 34.000 chiếc được đăng ký lưu hành.

2)   Xe điện thoái hóa:

  • Tuy nhiên đến năm 1908, những chiếc xe xăng Model T chạy xăng được sản xuất tại Mỹ bởi Henry Ford, đã “giáng” một đòn mạnh xuống ngành công nghiệp ô tô điện lúc bấy giờ. Giá của Model T chạy xăng là 650 USD, trong khi một chiếc ô tô điện được bán với giá 1.750 USD. Henry Ford đã thay đổi bộ mặt của ngành công nghiệp ô tô, đe dọa sự tồn tại của xe điện và các hãng xe ô tô xăng khác trong việc đưa ô tô xăng phổ biến cho những tầng lớp thấp hơn.
Xe xăng Model T làm “chao đảo” ngành công nghiệp ô tô điện năm 1908

Xe xăng Model T làm “chao đảo” ngành công nghiệp ô tô điện năm 1908

  • Cũng tại Mỹ vào năm 1912, Charles Kettering đã phát minh bộ khởi động điện và loại bỏ tay quay không cần thiết trên xe xăng, mang đến trải nghiệm lái dễ dàng hơn. Nhờ đó mà doanh số xe xăng tăng lên nhanh chóng.
  • Năm 1920, Mỹ đã phát hiện được một trữ lượng dầu thô rất lớn ở Texas giúp cho loại nhiên liệu này trở nên khá rẻ và dễ tiếp cận. Ngành xe xăng chiếm được nhiều ưu thế trong khi xe điện chưa có những cải tiến vượt trội nào.
  • Đến năm 1935, những chiếc xe ô tô điện dường như không còn xuất hiện trên đường xá của Mỹ nữa mà thay vào đó là các mẫu xe ô tô chạy bằng xăng.

3)   Sự trở lại của ô tô điện:

  • Cuộc khủng hoảng dầu mỏ những năm 1970 đã đẩy giá xăng dầu leo thang, giá xăng dầu đã tăng 86% trong vòng 1 năm từ 1973-1974. Các tập đoàn ô tô được giao nhiệm vụ phát triển xe ô tô điện để giải quyết bài toán năng lượng.

Khủng hoảng dầu mỏ năm 1973

  • Đến năm 1982, tập đoàn General Motors (GM) tạo chiếc xe hybrid đầu tiên sử dụng cùng lúc cả xăng và điện.
  • Những năm 1990, Đạo luật kiểm soát ô nhiễm không khí sửa đổi năm 1990. Ngoài ra, Đạo luật Chính sách năng lượng năm 1992 được thông qua, xe điện bắt đầu được chú ý. Các hãng xe bắt đầu cải tiến và chuyển đổi các mẫu xe sang động cơ điện. 
  • Năm 1997, Toyota giới thiệu mẫu xe điện hybrid đầu tiên được sản xuất hàng loạt mang tên Prius.
Mẫu xe điện hybrid đầu tiên được sản xuất hàng loạt mang tên Prius của Toyota

Mẫu xe điện hybrid đầu tiên được sản xuất hàng loạt mang tên Prius của Toyota

  • Năm 2000, Toyota phát hành Prius trên toàn thế giới và thu lại rất nhiều thành công. Prius trở thành chiếc xe hybrid bán chạy nhất trên toàn thế giới trong suốt một thập kỷ qua. Có gần 18.000 chiếc Prius được bán ra trong năm sản xuất đầu tiên. Theo thống kê, đến nay đã có trên 37 triệu chiếc Toyota Prius được bán ra thị trường kể từ lần đầu tiên ra mắt vào năm 1997.

4)   Con đường phát triển vẫn còn bấp bênh của ô tô điện:

  • Năm 2003, Tesla Motors chính thức được thành lập tại bang California (Mỹ) với chiến lược phát triển EV trong hoàn cảnh xe điện vẫn còn nhiều trở ngại, trong đó trở ngại lớn nhất là về giá thành và rác thải pin ô tô vẫn chưa có biện pháp sử lý thuyết phục.
  • Năm 2006, Tesla Motors Motors (một công ty khởi nghiệp ở Thung lũng Silicon) tung ra mẫu EV điện đầu tiên của mình mang tên Roadster. Đây chính là mẫu xe thuần điện đầu tiên trên thế giới có khả năng vận hành trên đường cao tốc với phạm vi hoạt động hơn 200km. Nhưng nhìn chung vẫn chưa nhận được sự quan tâm nhiều của khách hàng. Hãng xe này phải nhờ khoản vay từ Bộ Năng lượng Mỹ mới thoát khỏi bờ vực phá sản.

5)   Mẫu xe điện tiếp tục được tung ra và những con số khả quan

  • Đến năm 2010, hai hãng xe Nhật Bản là Nissan và Mitsubishi tung ra mẫu ô tô điện đầu tiên của mình. Với Nissan là mẫu xe Leaf còn với Mitsubishi là i-MiEV.
  • Năm 2011, Mitsubishi i-MiEV trở thành mẫu xe điện đầu tiên trên thế giới cán mốc sản lượng bán hàng 10.000 chiếc. Đến năm 2014, mẫu xe này chính thức phá ngưỡng sản lượng bán hàng 100.000 chiếc.
Mẫu ô tô điện Mitsubishi i-MiEV

Mẫu ô tô điện Mitsubishi i-MiEV

  • Một trong những bước ngoặt quan trọng nhất giúp xe EV bùng nổ và khiến cả thế giới quan tâm diễn ra vào năm 2016 khi Tesla tung ra thị trường Model 3. Mẫu ô tô điện này chỉ có giá bán lẻ 35.000 USD, một mức giá cực kỳ hợp lý trong bối cảnh giá thành ô tô điện nói chung vẫn còn đắt đỏ.
  • Đến năm 2021, ô tô điện chạy pin chiếm 6% tổng xe ôtô bán ra trên toàn thế giới.
  • Giới chuyên gia đánh giá ôtô điện chính là một xu thế tất yếu của công nghệ di chuyển toàn cầu. Dự báo đến khoảng năm 2040, xe điện sẽ chiếm khoảng 35% tổng lượng ô tô bán ra trên toàn cầu. Xe điện lần nửa lấy lại thời hoàng kim trong thế kỷ 21. Là loại xe sử dụng năng lượng xanh, góp phần giảm thiểu khí thải từ năng lượng hóa thạch nên rất được chào đón.

 

 BÊN TRONG CHIẾC XE ĐIỆN (EV) CÓ GÌ

    Những chiếc EV đã dần chiếm lấy một số phân khúc trong thị trường ngành xe và đang dần mở rộng. Đồng thời từ đây sản sinh ra nhiều tập đoàn tỷ đô trong các ngành phụ trợ.

    Vậy bạn đã biết cấu tạo bên trong của một chiếc ô tô điện có khác gì với ô tô động cơ đốt trong? Một chiếc ô tô điện cơ bản sẽ có các phần sau:

Cấu tạo cơ bản của một xe điện

Cấu tạo cơ bản của một xe điện

  • Motor điện: Sử dụng năng lượng từ ắc quy dẫn động các bánh xe.
  • Bộ điều khiển điện tử: Quản lý dòng năng lượng điện được cung cấp bởi ắc quy, điều khiển tốc độ của motor điện và momen xoắn.
  • Bộ chuyển đổi: Chuyển đổi nguồn áp cao từ ắc quy thành nguồn áp thấp cần thiết để các thiết bị trên xe hoạt động & sạc lại cho ắc quy phụ.
  • Hệ thống tản nhiệt: Duy trì phạm vi nhiệt độ thích hợp cho động cơ/motor điện & các bộ phận khác hoạt động bình thường.
  • Ắc quy phụ: Cung cấp năng lượng cho các thiết bị trên xe hoạt động
  • Bộ sạc: Lấy nguồn điện từ cổng sạc và biến đổi chúng thành nguồn DC để sạc cho ắc quy, đồng thời theo dõi các thông số của ắc quy như điện áp, dòng, nhiệt độ và trạng thái sạc.
  • Hộp số: Được điều khiển bởi motor điện, trên ô tô điện thường sử dụng hộp số 1 cấp.
  • Cổng sạc: Cho phép phương tiện kết nối với nguồn điện bên ngoài để sạc ắc-quy
  • Pin: Lưu trữ năng lượng cho xe.

 

>>Tập đoàn tỷ đô trong ngành pin ô tô

   Thế hệ ô tô điện VF8 của Vinfast mới ra mắt trong năm nay có thể chạy 400km trong một lần sạc đầy. Mất 8h để sạc đầy pin ở công suất 11Kw và 24 phút cho một lần sạc nhanh 10%-70%.

Mẫu xe điện VF8 của Vinfast

Mẫu xe điện VF8 của Vinfast

 

CÁC “ÔNG LỚN” TRONG NGÀNH CÔNG NGHIỆP XE ĐIỆN

Hãng Tesla

    Được thành lập vào năm 2003, Tesla chỉ mới thực sự dẫn đầu thị trường ô tô điện trong thời gian gần đây. Công ty do Elon Musk sáng lập và điều hành đã trở thành công ty xe hơi giá trị nhất thế giới. Trong đó đóng góp lớn vào thành tích này là chiếc EV giá rẻ được sản xuất hàng loạt đầu tiên trên thế giới. Có thể xem Elon Musk là Henry Ford thứ hai trong việc biến ô tô trở thành phương tiện dân dụng cho nhiều tầng lớp trong thời đại xe ô tô điện còn đắc đỏ. Ở Mỹ và nhiều nước Châu Âu, trong vòng 5 năm trở lại đây, mỗi năm doanh số của Tesla tăng 30 – 40%.

Mẫu xe điện của Tesla đại diện cho EV nước Mỹ

Mẫu xe điện của Tesla đại diện cho EV nước Mỹ

   Một trong những bước ngoặt do Tesla thực hiện là việc xây dựng mạng lưới trạm sạc ở Bắc Mỹ. Với hệ thống trạm sạc này, người tiêu dùng sử dụng xe điện của Tesla có thể sạc hoàn toàn miễn phí.

 Một số mẫu xe của Tesla:

  • Tesla Model 3,
  • Tesla Roadster
  • Tesla Model S
  • Tesla Model X
  • Tesla Model Y
  • Tesla CyberTruck
  • Tesla Semi,…

   Model S là dòng xe thể thao Sedan hạng sang sở hữu động cơ điện 691 mã lực. Chiếc xe này còn được Consumer Reports bình chọn là dòng xe điện có tổng thể tốt nhất trong năm 2014 và 2015. Thêm vào đó, mẫu xe điện SUV Model X cũng xuất sắc đạt được giải thưởng Green Vehicle vào năm 2016.

 

Hãng Toyota

   Tập đoàn ô tô Toyota là nhà sản xuất ô tô Nhật Bản có trụ sở tại Toyota, Aichi, Nhật Bản. Toyota là nhà sản xuất ô tô lớn nhất năm 2015 trước Volkswagen và Mercedes-Benz.

    Năm 1997, Toyota tung ra thị trường dòng xe Prius. Prius trong tiếng Latinh có nghĩa là “to go before” (đi trước thời đại) để ám chỉ Prius chính là chiếc xe đi trước thời đại, mang tới những giải pháp cho tương lai khi vừa tiết kiệm nhiên liệu, vừa thân thiện với môi trường. Toyota Prius là chiếc xe hybrid (sử dụng động cơ xăng-điện) được sản xuất hàng loạt đầu tiên trên thế giới.

   Vào tháng 12-2021, Toyota đã công bố kế hoạch đầu tư 4.000 tỷ yên, tương đương 28 tỷ USD, vào dòng sản phẩm gồm 30 loại xe chạy điện vào năm 2030.

   Năm 2021, Toyota công bố trên truyền thông 16 mẫu EV hoàn toàn mới gồm hai thương hiệu Toyota, Lexus với đủ loại phân khúc: sedan, CUV, SUV, bán tải, xe địa hình, xe thể thao, xe sang, xe K-car, xe thương mại…

Ông chủ của Toyota công bố cùng lúc 16 mẫu EV gây sốc cho thế giới

Ông chủ của Toyota công bố cùng lúc 16 mẫu EV gây sốc cho thế giới

Hãng BYD

   BYD là công ty sản xuất xe thuộc tập đoàn cùng tên của Trung Quốc có trụ sở tại Thiểm Tây. Sau khi mua lại công ty ô tô Tsinchuan vào năm 2002, tới đầu năm 2003, BYD chính thức ra mắt thương hiệu sản xuất xe mang tên mình. Công ty sản xuất nhiều loại xe, trong đó có xe tải, xe buýt các loại xe chạy xăng truyền thống và xe đạp điện.

   BYD, thương hiệu xe hơi đến từ Trung Quốc chính thức trở thành hãng xe ô tô điện lớn nhất thế giới sau khi đạt được doanh thu khoảng 641.000 mẫu plug-in và hybrid trong nửa đầu năm 2022.

   Trong 9 tháng đầu năm 2022, lợi nhuận ròng của BYD tăng gấp 4 lần lên mức kỷ lục 1.3 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi doanh số xe mới ghi nhận đà tăng trưởng 250% lên 1.2 triệu chiếc.

   Sau khi BYD chiếm 70% doanh số doanh số ô tô điện tại đại lục, thương hiệu ô tô điện Trung Quốc bắt đầu mở rộng sang các thị trường nước ngoài. Tại châu Á, các mẫu xe của BYD lần lượt xuất hiện tại Nhật Bản, Thái Lan và Ấn Độ.

   Và còn rất nhiều hãng xe khác cũng đang xâm lấn vào thị trường ô tô điện như: General Motors, Volkswagen Group, SAIC-GM-Wuling Motors,… Cuộc chuyển hướng từ xe xăng sang xe điện xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan, một số lý do đó là bảo vệ môi trường. Các hãng xe đã chủ động chuyển đổi rất nhanh chóng, người tiêu dùng cũng cần phải chuyển đổi nhanh chóng thói quen tiêu dùng từ xe xăng sang xe điện.

   Hy vọng bài viết đem lại một cái nhìn toàn diện về ngành ô tô điện cho quý bạn đọc. Admin sẽ cố gắng update những thông tin mới nhất cho bài viết trong thời gian tới. Xin cảm ơn quý đọc giả đã theo dõi.

*Các bài viết khác:

Tất tần tật về in 3D

Scan 3D/ Quét 3D là gì?

Vinfast đem hơn 5000 ô tô điện vượt Thái Bình Dương

Tập đoàn tỷ đô trong ngành pin ô tô

 

<< Quay lại

Fanpage chia sẻ công nghệ tại: https://www.facebook.com/Thinksmart.Ltd

Thinksmart Group đơn vị cung cấp gói giải pháp công nghệ hàng đầu Việt Nam Cung cấp các giải pháp trọn gói:

  • Quét 3D Photogrammetry & Thiết Kế Ngược
  • Thiết Kế Kiểu Dáng & Kết Cấu Công Nghiệp
  • Jig & Fixture, RTM, Chassis, Trim, Body, IP, Frame,..
  • Phân tích tính toán & Mô Phỏng_Altair
  • In 3D Cao Cấp & CNC Robot
  • Mockup Buck, Chế tạo
  • Kiểm Tra(QC).

==========

Liên hệ:

.
.
.
.